Lịch sử dân Việt Nam đã chứng kiến sự xuất hiện của rất nhiều kỳ tài quân sự như Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Quang Trung hay gần đây nhất là đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong số họ, có người làm vua, người được phong tướng hay thậm chí là một hoạn quan. Nhưng dù ở vị trí nào, đóng góp to lớn mà họ mang lại cho sự hòa bình của dân tộc là điều không cần thể chối cãi.
Tuy nhiên, có một nhân vật mà sau này, mỗi khi được nhắc tên, hậu thế chỉ biết dùng hai từ “giá như”. Đó là “Anh hùng áo vải” Nguyễn Huệ – Quang Trung Hoàng Đế.
Cuộc đời của Nguyễn Huệ
Nguyễn Huệ là ai?
Nguyễn Huệ, tên thật là Nguyễn Quang Bình, danh xưng là Bắc Bình Vương, sau lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung. Ông sinh năm 1753 tại miền đất võ Bình Định, tổ tiên của Nguyễn Huệ là người gốc Nghệ An sau mới di cư vào Quy Nhơn (Bình Định), đến đời cha ông là cụ Nguyễn Phi Phúc thì chuyển đến huyện Tây Sơn để sinh sống.
Cùng với Nguyễn Huệ còn có hai người anh em ruột là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ. Cả ba anh em đều mang trong mình chí lớn, được người đời xưng tụng là Tây Sơn Tam Kiệt.
Theo sử sách, Nguyễn Huệ tóc quăn, da sần sùi, mắt sáng như chớp cùng với giọng nói sang sảng như tiếng chuông. Một sử gia từng mô tả: “Huệ ban đêm ngồi không có ánh đèn, ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu”. Về tính cách, Nguyễn Huệ vô cùng quyết đoán, vẻ mặt nghiêm nghị, can đảm hơn người và luôn là linh hồn trong mỗi trận chiến mà ông tham gia. Hơn nữa, ông cũng là người nhanh nhẹn và giỏi võ nhất trong số ba anh em.
Sinh ra trong thời loạn có thể là bất hạnh với nhiều người, nhưng với Nguyễn Huệ, đây là một cơ hội hiếm có để ông thể hiện tất cả tài năng và bản lĩnh của mình. Đã từng có một Trần Hưng Đạo đã giúp nhà Trần tạo ra cơn địa chấn khi 3 lần đánh bại quân Mông Nguyên, nhưng đến 500 năm sau, dân tộc mới xuất hiện một Nguyễn Huệ có thể sánh ngang với Đức Thánh Trần về mọi mặt.
Hành trình định giang sơn của Quang Trung – Nguyễn Huệ
Đất nước lúc bấy giờ đầy rẫy thù trong giặc ngoài. Phương bắc có một nhà Thanh hùng mạnh luôn dòm ngó lãnh thổ Đại Việt cả ngàn năm qua. Xa hơn một tí thì quân Xiêm cũng đang dần lớn mạnh. Tuy nhiên, đáng sợ hơn cả là sự xâu xé trong nội bộ dân tộc. Mối thù giữa hai nhà Trịnh – Nguyễn vẫn còn đó sau hơn 100 năm hòa bình, quyền hành nhà Hậu Lê lúc bấy giờ đã nằm gọn trong tay chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, còn Đàng Trong của chúa Nguyễn đã bị Trương Phúc Loan thao túng. Dù loạn lạc xảy ra khắp nơi,Nguyễn Huệ vẫn biết cách thu phục cả thiên hạ vào tay của mình.
Khởi nghĩa Tây Sơn diệt chúa Nguyễn, khởi đầu cho mối thù truyền kiếp với Gia Long Nguyễn Ánh
Mùa xuân năm 1771, khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ. Với tài năng của mình, Nguyễn Huệ trở thành một trong ba lãnh tụ tối cao của phong trào. Đến năm 1775, khi Tây Sơn rơi vào thế khó, vị “Anh hùng áo vải” khi ấy chỉ mới 23 tuổi đã thể hiện tài cầm quân khi chiếm được Phú Yên trong thời gian ngắn. Đây là một bước ngoặt lớn và vô cùng quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của phong trào về sau.
Từ năm 1777 – 1783, Nguyễn Huệ 3 lần tấn công Gia Định. Lúc bấy giờ, Gia Định vừa được dùng để gọi Sài Gòn, vừa để gọi cả miền Nam. Dù đã đánh bại được thế lực chúa Nguyễn nhưng Nguyễn Ánh liên tục may mắn thoát chết.
Năm 1784, đáp ứng sự cầu viện của Nguyễn Ánh, quân Xiêm kéo vào nước ta và chiếm được miền tây Gia Định. Trước tình hình đó, đầu năm 1785, Nguyễn Huệ tiến quân vào Gia Định, chọn Rạch Gầm- Xoài Mút làm nơi tử chiến. Ông dùng mưu khiến kẻ địch rơi vào trận địa rồi đánh tan 5 vạn quân thù. Nguyễn Ánh một lần nữa lưu vong.
Bằng cách vận dụng hết những tinh hoa trong nghệ thuật quân sự, trận Rạch Gầm – Xoài Mút của Nguyễn Huệ được xem là một trong những trận thủy chiến kinh điển nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của Việt Nam.
Bắc tiến và không được lòng những sĩ phu Bắc Hà
Năm 1786, lấy danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh”, Bắc Bình Vương chiếm được Phú Xuân rồi tiến ra Thăng Long diệt họ Trịnh. Sau đó, ông được vua Lê Hiển Tông gả cho Ngọc Hân công chúa.
Năm 1787, hai anh em Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc rơi vào tình thế “nồi da nấu thịt”. Xuất phát điểm từ việc Nguyễn Nhạc cho rằng Huệ đã “đủ lông đủ cánh”. Trận đánh diễn ra dữ dội cho đến khi Nguyễn Huệ đánh đến thành Quy Nhơn thì Nguyễn Nhạc không còn chống đỡ nổi nên đành phải ra khóc lóc xin hàng. Cùng năm ấy, Huệ phải ra bắc lần thứ hai vì Nguyễn Hữu Chỉnh và Vũ Văn Nhậm lần lượt tạo phản.
Sau khi Lê Hiển Tông mất, Lê Chiêu Thống trị vì không lâu thì cũng phải bỏ sang nương nhờ nhà Thanh. Việc Nguyễn Huệ hai lần tiến công ra Bắc đã khiến cho những sĩ phu theo nhà Lê không được hài lòng. Họ cho rằng Bắc Bình Vương chỉ đang tạo ra cái cớ để đem quân ra Bắc và chèn ép triều đình nhà Lê (giống như cách Tào Tháo đã làm với triều đình nhà Hán).
Những sĩ phu mang tư tưởng tận trung và thậm chí là người dân Đàng Ngoài đều không ưa Nguyễn Huệ.
Lên ngôi hoàng đế – Trận đánh khiến Càn Long phải sợ hãi
Ngày 22/12/1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế tại Phú Xuân, lấy niên hiệu là Quang Trung và bắt đầu công cuộc gây dựng nên một triều đại Tây Sơn hùng mạnh.
Tháng 2/1789 (12/1788 Âm Lịch), Lê Chiêu Thống cầu viện quân Thanh, Quang Trung lại một lần nữa Bắc tiến. Từ dãy Tam Điệp, quân Tây Sơn chia làm 5 đạo quân tiến ra Bắc. Dưới sự giúp đỡ của “La Sơn Phu Tử” Nguyễn Thiếp, lần tiến công này trở thành cuộc hành quân vô tiền khoáng hậu trong lịch sử với tên gọi “Tây Sơn thần tốc”. Thực tế, “Tây Sơn thần tốc” đã để lại dấu hỏi rất lớn cho các nhà sử học sau này. Đến nay, họ vẫn chưa tìm ra được câu trả lời chính xác nhất về cách hành quân có một không hai trên.
Với phương châm tốc chiến tốc thắng, đạo quân chủ lực do Quang Trung chỉ huy vượt sông Gián Khẩu vào đêm giao thừa tết Kỷ Dậu 1789 để tiêu diệt các đồn tiền tiêu của địch.
Đêm mùng 3 tết năm 1789, quân ta đánh úp đồn Hà Hồi. Sáng mùng 5, tiếp tục đánh đồn Ngọc Hồi và Đống Đa. Tại đây, Sầm Nghi Đống tự tử.
Đến trưa mùng 5, đại quân tổng tấn công vào Thăng Long khiến cho Tôn Sĩ Nghị và 20 vạn quân Thanh đại bại. Lê Chiêu Thống có kiếp sống lưu vong mãi mãi.
Trận đánh này không chỉ đơn giản là một trận chiến chống ngoại xâm mà còn là một lời khẳng định cho nhà Thanh cũng như những kẻ “cõng rắn cắn gà nhà” biết sức mạnh thật sự của vua Quang Trung và triều đại Tây Sơn lúc bấy giờ. Hơn nữa, qua đây còn cho thấy tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc, những người từng không ủng hộ Quang Trung ra Bắc trước đó giờ đã một lòng vì sự độc lập, tự do của tổ quốc.
Nắm được vận mệnh của dân tộc, nhưng đành gục ngã trước số mệnh của chính mình
Về quân sự, chính trị, kinh tế hay giáo dục thời hậu chiến của nhà Tây Sơn đều có sự vượt bật so với các triều đại khác. Tại thời điểm đó, với việc tinh thông chế tạo thuyền chiến và súng, thủy quân của Tây Sơn được đánh giá là có sức mạnh vô cùng khủng khiếp. Theo như một số tài liệu, Quang Trung còn có ý định chiếm lại vùng đất Lưỡng Quảng của nhà Thanh.
Trong vũ đài chính trị, ông còn là một nhà ngoại giao lỗi lạc là vị hoàng đế hiếm hoi có thể khiến cho vua Càn Long hết sức coi trọng, rất ít vị vua trước đây nhận được những đặc ân như thế.
Tưởng chừng với tất cả những gì mà vua Quang Trung và nhà Tây Sơn thực hiện được, rất nhiều người đã đặt một niềm tin vô cùng to lớn cho vận mệnh đất nước trong tương lai. Tuy nhiên, ngày 16 tháng 9 năm 1792 tại cố đô Huế, vua Quang Trung đột ngột băng hà để lại vô vàng sự tiếc nuối của biết bao thế hệ sau này. Không lâu sau đó, triều Tây Sơn cũng sụp đổ bởi Nguyễn Ánh.
Kết luận
Chúng ta của sau này nuối tiếc một thì chính vua Quang Trung lúc sinh thời nuối tiếc đến mười. Ông chưa thể đòi lại Lưỡng Quảng từ tay Trung Hoa, chưa thể tự mình thống nhất đất nước và quan trọng nhất là chưa bắt được kẻ thù truyền kiếp của mình là Nguyễn Ánh. Cả cuộc đời chinh chiến của vị “Anh hùng áo vải” gần như bất khả chiến bại, những trận đánh mà ông tham gia đều là những mốc son vẻ vang trong lịch sử. Có lẽ, hai thứ duy nhất có thể khiến Quang Trung đành nhận thua là sự vô thường của nhân sinh và khát khao trả thù quá lớn của Nguyễn Ánh. Đánh có thể đánh bại nhưng ông lại không thể khuất phục được hậu nhân của dòng dõi chúa Nguyễn. Nhìn chung, cả hai đã khiến đời sau phải tốn không ít giấy mực để kể về cuộc đối đầu này.
Lịch sử luôn mang đến cái nhìn đa chiều và dòng thời gian cứ trôi càng không thể giúp chúng ta đi ngược về quá khứ để chứng kiến lại toàn bộ câu chuyện về cuộc đời của Quang Trung. Có người nói ông không được lòng miền Nam nên mới nhiều lần để Nguyễn Ánh trốn thoát, một số lại cho rằng vua Gia Long mới là “chân mệnh thiên tử” và cũng có người đặt câu hỏi “Liệu với những gì đã làm trên con đường định giang sơn, ông là một Gian hùng hay là Anh hùng thời loạn?”.
Nhưng dù hậu thế có nhận định như thế nào đi chăng nữa cũng không thể phủ nhận được một sự thật, Quang Trung là một trong những vĩ nhân, nhà quân sự kiệt xuất nhất mà Việt Nam từng sản sinh.