Thông qua phim ảnh, hậu thế có thể nhận biết lịch sử theo những cách đầy thú vị. Xem phim cổ trang Trung Quốc đã lâu, bạn có biết các giai đoạn lịch sử trong phim tương ứng với những triều đại nào của Việt Nam không? Nếu không, mình sẽ giúp bạn nhớ lại những mốc sử Việt qua các bộ phim cổ trang Trung Quốc đình đám một thời.
“Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập.
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương.”
Bình Ngô Đại Cáo – Nguyễn Trãi
1. Nếu đã xem các bộ phim như Xuân Thu Chiến Quốc, Đông chu Liệt Quốc, Việt Vương Câu Tiễn, được kể về Binh Pháp Tôn Tử, 36 kế hay nghe qua danh tiếng của mỹ nhân Tây Thi,… thì tương ứng với giai đoạn này ở Việt Nam là nhà nước Văn Lang của các vua Hùng (thế kỷ 7 đến thế kỷ 2 TCN).
2. Đại Tần Đế Quốc là một bộ phim nổi tiếng về Tần Thủy Hoàng, Cỗ Máy Thời Gian của TVB là phim xuyên không được rất nhiều khán giả yêu thích hay phim điện ảnh Anh Hùng của đạo diễn Trương Nghệ Mưu với nhiều triết lý thâm sâu kể về giai đoạn lập quốc của Tần Thủy Hoàng.
Giai đoạn này tương ứng với nhà nước Âu Lạc của An Dương Vương.
3. Nếu từng theo dõi cuộc tranh đoạt thiên hạ của Lưu Bang và Hạng Vũ trong Hán Sở Tranh Hùng, bạn cần biết sau khi Lưu Bang lập ra nhà Hán, Việt Nam cũng bắt đầu bước vào giai đoạn 1000 năm Bắc thuộc.
Đến thời vị hoàng đế thứ 16 là Hán Quang Vũ Đế (Lưu Tú), khởi nghĩa Hai Bà Trưng bắt đầu và thất bại dưới tay của Mã Viện. Nhiều còn nguồn cho rằng Mã Siêu (một trong Ngũ Hổ Tướng lừng danh của Lưu Bị) chính là hậu vệ của Mã Viện.
4. Trong bộ phim/tiểu thuyết kinh điển Tam Quốc Diễn Nghĩa có 2 nhân vật nổi tiếng là Tôn Quyền và Chu Du thuộc nhà Ngô ở Giang Đông. Đây cũng chính là quân Ngô mà bà Triệu (Triệu Thị Trinh) khởi nghĩa chống lại ở Cửu Chân (thuộc làng Quan Yên, xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa ngày nay).
Người được phái qua đàn áp khởi nghĩa của bà Triệu là Lục Dận. Lục Dận là cháu của Đô Đốc Giang Đông – Lục Tốn, người hỏa thiêu 70 vạn quân Lưu Bị ở trận Di Lăng nổi tiếng, đặt nền móng cho sự sụp đổ của nhà Thục.
Ngoài ra, trước trận Xích Bích kinh điển, Tào Tháo từng tập trận ở hồ Đình Động. Theo nghiên cứu của Yên tử cư sỹ Trần Đại Sỹ (Biên cương nước Việt), đây là nơi khởi nguồn của các tộc Bách Việt (từ năm 2879 TCN – sau khi Kinh Dương Vương lên làm vua nước Xích Quỷ).
5. Trần Bá Tiên (Trần Vũ Đế) là vị vua đầu tiên của nhà Trần thời Nam-Bắc triều trong lịch sử Trung Quốc. Trước khi lật đổ nhà Lương lên làm vua, ông chính là người đã đàn áp 2 cuộc khởi nghĩa chống giặc Lương của Lý Bí – Lý Nam Đế và Triệu Quang Phục – Triệu Việt Vương.
6. Có thể lần đầu bạn biết đến nhà Đường qua bộ phim Tây Du Ký, say mê Phạm Băng Băng trong vai diễn Võ Tắc Thiên, biết đến Lý Thế Dân qua Tùy Đường Diễn Nghĩa, Địch Nhân Kiệt qua nhiều bộ phim trinh thám,…
Triều đại này dưới thời Đường Huyền Tông cũng có liên quan đến lịch sử Việt Nam.
- Mai Hắc Đế (Mai Thúc Loan) khởi nghĩa chống nhà Đường vào năm 722 tại Hùng Sơn (Nghệ An).
- Năm 767, Phùng Hưng khởi nghĩa chống lại sự đô hộ của nhà Đường thời Bắc thuộc lần thứ ba.
Nếu bạn từng nghe qua tứ đại mỹ nhân thì một trong số đó là Dương Quý Phi. Bà chính là vợ của Đường Huyền Tông nói trên. Ngoài ra, Dương Quý Phi còn được biết đến là một tín đồ mê quả Lệ Chi (trái vải) do Việt Nam cống nạp.
6. Nói đến nhà Tống, đây là một triều đại khá đặc biệt trong lịch sử Trung Quốc. Dù bị các nhà sử học đánh giá thấp do tư tưởng “trọng văn khinh võ” nhưng nhà Tống lại vô cùng nổi bật và ghi nhiều dấu ấn trên phim ảnh.
Nếu bạn từng bị cuốn vào các vụ án cân não của Bao Thanh Thiên và thích thú với những màn đánh nhau của Triển Chiêu, thì giai đoạn này tương ứng với thời gian trị vì của vua Lý Thánh Tông.
Sau khi Bao Thanh Thiên qua đời hơn chục năm, nhà Tống đem quân xâm lược nước ta và bị Thái Úy Lý Thường Kiệt đánh bại trên sông Như Nguyệt với bản tuyên ngôn Nam Quốc Sơn Hà lừng lẫy.
Cho những ai chưa biết, Lý Thường Kiệt được xem như nỗi kinh hoàng của quân Tống khi ông lập ra kế hoạch “tiên phát chế nhân”, đem quân đánh phủ đầu trên đất Tống tại thành Ung Châu. Xác quân Tống chất cao như núi, số người thành Ung Châu bị giết đến 58.000 người.
Bối cảnh của Thiên Long Bát Bộ với bộ ba nhân vật nổi tiếng Tiêu Phong, Đoàn Dự và Hư Trúc cũng tương ứng giai đoạn nhà Lý của chúng ta.
7. Xạ điêu tam bộ khúc (Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Hiệp Lữ và Ỷ thiên đồ long Ký) lấy bối cảnh cuối nhà Tống đến lúc nhà Nguyên cai trị Trung Hoa. Người lập ra nhà Nguyên là Nguyên Thế Tổ – Hốt Tất Liệt (cháu nội của Thành Cát Tư Hãn) sau khi đánh bại Nam Tống năm 1279.
Trong tiểu thuyết Anh Hùng Xạ Điêu, Hốt Tất Liệt được biết đến là anh em kết nghĩa với Quách Tĩnh.
Đây chính là quân Nguyên đã bị nhà Trần của nước ta đánh bại 3 lần khi đem quân xâm lược. Trong lần xâm lược thứ nhất, Thoát Hoan (con trai Hốt Tất Liệt) bị Trần Hưng Đạo đánh bại tại Vạn Kiếp (thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương), phải chui vào ống đồng cho lính khiên về mới thoát được.
8. Trong phần cuối của Xạ điêu tam bộ khúc là Ỷ Thiên Đồ Long ký, Kim Dung đưa độc giả đến với bối cảnh nhà Nguyên đã cai trị Trung Quốc được gần 100 năm. Câu chuyện về cuộc đời của Trương Vô Kỵ và giai thoại về Ỷ Thiên kiếm/Đồ Long đao có sự kết nối chặt chẽ với cuộc khởi nghĩa của Chu Nguyên Chương cũng như sự ra đời của nhà Minh.
Nhiều khán giả phim truyền hình Việt Nam từng mong ngóng đến 11h20 mỗi ngày trên đài THVL để được xem Lưu Bá Ôn. Ông là một quân sư kiệt xuất, người giúp Chu Nguyên Chương giành được thiên hạ.
Hoàng tử Chu Đệ trong phim được mô tả là nhân vật chính trực, nhân hậu. Tuy nhiên, đời thật không như phim. Nhắc đến nhà Minh dưới thời Minh Thái Tổ Chu Đệ là một ký ức đau buồn của dân tộc Việt Nam. Sau khi lật đổ nhà Trần, nước Đại Ngu của Hồ Quý Ly chỉ tồn tại được 7 năm thì thất thủ trước sức mạnh của nhà Minh.
Ách đô hộ của nhà Minh đối với Đại Việt quá tàn bạo, được mô tả qua 2 câu trong Bình Ngô Đại Cáo như sau:
“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”
Rất may, Lê Lợi, Nguyễn Trãi và khởi nghĩa Lam Sơn đã lấy lại sự độc lập cho dân tộc. Những nhân vật ấy đã cùng nhau tạo nên những dấu son hào hùng trong lịch sử Việt Nam.
Nói thêm, trong năm 1400, thời điểm Hồ Quý Ly lập nên nhà Hồ cũng là lúc Quỳ Hoa Bảo Điển rơi vào tay Hồng Diệp thiền sư của Nam Thiếu Lâm. Bí kíp võ công này cùng với Tịch Tà Kiếm Phổ đã tạo nên một phen sóng gió trong “Tiếu Ngạo Giang Hồ” mà các bạn đã biết.
9. Tử Cấm Thành là công trình kiến trúc nổi tiếng được xây dựng dưới thời Minh Thành Tổ. Công trình này từng được tu sửa bởi kiến trúc sư Nguyễn An (quê gốc Hà Đông – Hà Nội).
Tuy nhiên, Nguyễn An chỉ đóng vai trò tu sửa, bổ sung thêm cho một công trình đã có sẵn. Ông không phải là kiến trúc sư khởi thảo công trình như thông tin từ nhiều nguồn khác.
Trần Hữu Lượng là một nhân vật thuộc môn phái Cái Bang trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký. Trong quá trình tranh thiên hạ với Chu Nguyên Chương, ông tự nhận mình là con của Trần Ích Tắc để được Đại Việt giúp đỡ. Trần Ích Tắc là con của Trần Thái Tông, em họ của Trần Hưng Đạo.
10. Giống như nhà Tống, nhà Thanh cũng là một triều đại được Trung Quốc đưa lên phim rất nhiều. Lộc Đỉnh Ký, Hoàn Châu Cách Cách, Khang Hy Vi Hành là những bộ phim lấy bổi cảnh nhà Thanh để lại ấn tượng trong lòng khán giả. Tương ứng ở Việt Nam là giai đoạn Trịnh Nguyễn Phân Tranh, Vua Lê Chúa Trịnh, Khởi Nghĩa Tây Sơn.
Cha của Tiểu Yến Tử (nhân vật kinh điển do Triệu Vy thủ vai) là vua Càn Long. Vị vua này cũng rất nổi tiếng trong các bộ phim cung đấu như Diên Hy Công Lược hay Hậu cung Như ý truyện.
Bạn có biết, Càn Long chính là người cho hơn 200.000 quân sang xâm lược nước ta và bị đánh tan nát bởi quân Tây Sơn của vua Quang Trung vào mùng 5 tết Kỷ Dậu năm 1789.
Sau chiến tích lừng lẫy ở trận Ngọc Hồi – Đống Đa, Càn Long rất coi trọng vua Quang Trung và định gả con gái cho ông để thiết lập ngoại giao giữa hai nước nhưng sự việc chưa thành thì Quang Trung đột ngột băng hà, để lại vô vàn sự tiếc nuối cho hậu thế.
Như vậy, chúng ta đã cùng nhau điểm qua các mốc sử Việt qua những bộ phim quen thuộc. Hy vọng sau này khi xem phim cổ trang Trung Quốc, bạn đừng quên những dấu ấn chống phương Bắc vẻ vang của dân tộc mình nhé!