Ở phần trước, chúng ta đã xem xét tính khả thi của hành động quay về quá khứ để giết Hitler. Từ đó, bạn cũng nhận ra việc thay đổi quá khứ nhằm tạo ra một tương lai khác sẽ gặp nhiều nghịch lý cũng như bản chất của du hành thời gian không vận hành như bạn thấy trong nhiều bộ phim. Tuy nhiên, nếu thực sự có một cách nào đó có thể giết Hitler khi ông còn bé và thay đổi lịch sử thì sao? Bạn có làm không?
Cùng mình tìm hiểu phần tiếp theo của chủ đề “Nếu được quay về quá khứ, bạn có giết Hitler?” qua bài viết dưới đây nhé!
Các trường hợp có thể xảy ra khi giết Hitler trước khi ông trở thành trùm Phát xít
Để giải quyết các nghịch lý thời gian được giới thiệu ở bài viết trước, hãy giả sử bạn đang sống cùng thời với mẹ của Hitler và nhận được một thông điệp từ tương lai mô tả về những gì Hitler đã làm với người Do Thái và thế giới. Lúc này, bạn có xuống tay với em bé Hitler để ngăn chặn hậu họa không?
Nếu có, hãy xem xét các trường hợp dưới đây:
- Trường hợp 1: Bạn giết em bé Hitler, nhưng mẹ của Hitler nhận một đứa trẻ khác làm con nuôi và đặt tên là Adolf Hitlar. Sau khi trưởng thành, Hitlar vẫn trở thành lãnh đạo Đảng Quốc Xã, thậm chí còn tàn bạo hơn Hitler.
- Trường hợp 2: Bạn giết em bé Hitler và mẹ của ông không nhận thêm con nuôi. Vì vậy, chẳng một kẻ độc tài nào khác lên lãnh đạo Đảng Quốc Xã. Tuy nhiên, do bối cảnh lịch sử, một Đảng khác nổi lên ở Đức và châm ngòi cho Thế chiến thứ 2.
- Trường hợp 3: Không có Hitler và cũng chẳng có một Đảng nào ở Đức gây ra Thế chiến thứ 2. Tuy nhiên, việc thiếu đi phe Phát xít đã dẫn đến một cuộc chiến còn thảm khốc hơn do Mỹ và phe Liên Xô gây ra.
- Trường hợp 4: Em bé Hitler chết, Thế chiến 2 không xảy ra, nhân loại không chịu bất kỳ sự khổ đau nào do chiến tranh. Đây cũng là trường hợp mà bạn và nhiều người khác thật sự mong muốn khi giết Hitler trong quá khứ.
Ngoài 4 trường hợp trên còn có vô số các trường hợp khác có thể xảy ra tùy vào trí tưởng tượng của bạn.
Trường hợp 4 không thật sự hoàn hảo như bạn nghĩ!
Việc giết Hitler để ngăn chặn hàng chục triệu người chết trong Thế chiến thứ 2 có thể gây ra một biến động lớn trong lịch sử nhân loại.
Năm 2024, dân số thế giới đạt mốc 8 tỷ người.
Hãy giả sử như thế này: Anh A chết trong Thế chiến thứ 2 vào năm 1943. Cùng lúc đó, anh B cưới chị C và sinh ra 3 đứa con là B1, B2 và B3. Từ năm 1943 đến năm 2024, đại gia đình nhà anh B – chị A sẽ trải qua rất nhiều thế hệ với hàng trăm người trong dòng họ.
Tuy nhiên, với việc chúng ta giết Hitler và cứu sống anh A (cùng hàng chục triệu người khác), mọi thứ lại trở nên rắc rồi hơn nhiều. Vì biết đâu được, anh A mới là người cưới chị C sinh ra 2 đứa con C1 và C2. Trong khi đó, vì chị C đã có chồng nên anh B cưới chị D và sinh ra 3 đứa con là B4, B5, B6 chứ không phải B1, B2, B3 nữa. Tiếp tục, vì anh B đã cưới chị D nên chồng chị D phải cưới một chị E khác.
Như vậy, chỉ qua một giả định là anh A còn sống sót đã gây ra sự xáo trộn lớn như thế nào. Vậy, nếu hàng chục triệu người như anh A, rất có thể, dân số trái đất năm 2024… vẫn là 8 tỉ người. Tuy nhiên, 8 tỉ người đó đã bị “thay thế” và không có bất cứ người nào giống với chúng ta hiện nay. Nói cách khác, việc giết Hitler khiến cho những người hậu Thế chiến thứ 2 đáng lẽ được sinh ra lại không được sinh ra. Vậy phải chăng bạn đã vô tình giết họ?
Không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề dân số, những vấn đề như kinh tế, chính trị và xã hội cũng có sự thay đổi lớn nếu bạn giết Hitler. Ví dụ, nếu không có Phát xít Đức, nhiều khả năng Phát xít Nhật đã không xâm lược Việt Nam, dẫn đến Việt Nam vẫn là thuộc địa của Pháp hoặc rất có thể Việt Nam giành được độc lập sớm hơn,….
Hiệu ứng cánh bướm – Sự tồn tại của Hitler vốn là một phần của nhân quả
Hãy thử tưởng tượng một câu chuyện hư cấu như sau:
Khoảng 100 năm trước Công nguyên, ở một vùng đất miền Nam nước Đức hiện nay có một tên cướp tên vô danh tên là Lukas. Một hôm, Lukas và băng của hắn đến cướp một ngôi làng và giết gần hết dân làng. May mắn thay, trong số đó vẫn còn sót lại một cô gái là Amelia. Trong một khoảnh khắc, lòng từ bi của Lukas trỗi dậy và tha mạng cho Amelia. Nếu xét về mặt đạo đức, hành động tha mạng cho một người vô tội là hoàn toàn tốt đẹp.
Tuy nhiên, Amelia lại chính là tổ tiên của Adolf Hitler. Như vậy, chẳng phải hàng triệu người chết ở Thế chiến thứ 2 là do lòng từ bi của Lukas hay sao?
Bạn có biết hiệu ứng cánh bướm không?
Xuất phát từ thuyết hỗn loạn (chaos theory), hiệu ứng cánh bướm (Butterfly Effect) lần đầu được mô tả bởi nhà khí tượng học, chuyên gia thuyết hỗn loạn Edward Lorenz trong bài báo khoa học “Predictability: Does the Flap of a Butterfly’s Wings in Brazil Set Off a Tornado in Texas?” (tạm dịch: Liệu con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra cơn lốc ở Texas?), đăng trên tạp chí Journal of the Atmospheric Sciences vào năm 1972.
Trong bài báo này, Lorenz đã thảo luận về sự nhạy cảm của các Hệ thống động phi tuyến tính (dynamic nonlinear system) đối với điều kiện ban đầu. Và làm thế nào một biến nhỏ tại một thời điểm có thể tạo ra ảnh hưởng lớn về sau.
Ông sử dụng ví dụ về một thay đổi nhỏ trong dữ liệu đầu vào của mô hình dự báo thời tiết có thể dẫn đến kết quả cuối cùng khác biệt đáng kể. Cụ thể, vào năm 1961, trong lúc mô phỏng một dự đoán về thời tiết trên máy tính, Lorenz đã lỡ nhập số liệu là 0,506 thay vì 0,506127. Kết quả thu được hoàn toàn khác so với tính toán ban đầu.
Điều này giống như cách một con bướm đập cánh ở Brazil có thể tạo ra một chuỗi sự kiện dẫn đến một cơn bão ở Texas.
Hãy để trí tưởng tượng của bạn bay xa qua ví dụ dưới đây:
Bạn là một người học rất giỏi. Trước ngày thi tốt nghiệp lớp 12, bạn đột nhiên bệnh nặng. Điều này khiến bạn bỏ lỡ cơ hội bước vào con đường đại học. Quá thất vọng, bạn ở quê mở một quán ăn và ngày càng đông khách. Chẳng lâu sau, bạn mở quy mô kinh doanh và nhanh chóng trở nên giàu có, đồng thời, bạn cũng dễ dàng cưới được cô gái mình thầm thương hồi cấp 3. Một năm sau, bạn sinh được một đứa con trai.
Thấm thoát 20 năm sau, con trai của bạn tốt nghiệp đại học lĩnh vực y khoa. Cùng thời điểm, đại dịch toàn cầu bùng nổ và chính cậu ấy là người chế tạo được vacxin cứu sống hàng triệu người.
Như vậy, việc bạn đổ bệnh trước ngày thi đại học 20 năm trước phải chăng là nguyên nhân giúp nhân loại của 20 năm sau vượt qua kiếp nạn dịch bệnh?
Giả sử bạn không bệnh lúc đó và vẫn thi đại học thì sao? Bạn sẽ phải mất 4 năm để mài dũa trên ghế nhà trường. Sau khi ra trường chưa chắc đã cưới vợ ngay lập tức vì không đủ điều kiện kinh tế. Con trai của bạn ra đời trễ hơn nên thế giới 20 năm sau sẽ không có ai chế tạo được vacxin chữa bệnh, hàng triệu người chết và thậm chí nhân loại có thể đối diện với thời khắc diệt vong.
Qua câu chuyện giả tưởng trên, bạn có thể thấy chúng ta không bao giờ có thể biết được một hành động nhỏ của hiện tại sẽ gây ra hậu quả tốt hay xấu trong tương lai, càng không biết mức độ tốt xấu như thế nào.
Bạn sẽ không thể biết việc mình được tăng lương ngày hôm nay và tiếp tục gắn bó với công ty có phải là nguyên nhân khiến cho bạn lỡ mất một cơ hội khởi nghiệp và trở thành tỷ phú 20 năm sau hay không. Nhưng dù sao, bạn vẫn nên vui mừng vì đã được tăng lương.
Hitler diệt chủng người Do Thái cũng bởi một dự đoán
Trở lại với giả định bạn nhận được thông tin từ tương lai Hitler là nguồn cơn của Thế chiến thứ 2. Nếu muốn giết Hitler trước khi Thế chiến diễn ra, bạn đang có suy nghĩ… giống hệt Hitler.
Trước hết, Hitler cho rằng người Do Thái đã phản bội nước Đức trong Thế chiến thứ nhất khiến quốc gia này thất bại. Ngoài ra, họ cũng là nguyên nhân gây ra cuộc đại suy thoái kinh tế ở Đức. Tuy nhiên, quyết định diệt chủng người Do Thái của Hitler theo nhiều sử gia còn bắt nguồn từ một dự đoán về tương lai. Ông tin rằng người Do Thái đang có âm mưu thống trị thế giới và sẽ tiêu diệt người Aryan.
Hitler nghĩ mình biết trước tương lai nên lựa chọn ra tay trước để ngăn ngừa hậu họa. Cách suy nghĩ trên cũng giống như một cơ hội để bạn “giết bé Hitler” nhằm ngăn chặn Thế chiến.
Tổng kết
Qua 2 phần của chủ đề mà mình muốn chia sẻ, hy vọng bạn sẽ giải quyết được nhiều vấn đề trong đời sống tinh thần của mình, đừng mãi chấp niệm một quá khứ đã diễn ra cũng như lo lắng về một tương lai chưa tới. Bạn cần tập trung vào hiện tại và cố gắng tạo ra một kế quả tốt nhất có thể. Sống đúng với lương tâm, giá trị đạo đức và thượng tôn pháp luật là những gì mà nhân loại có thể làm để tạo ra một thế giới hoàn mỹ hơn.
Tham khảo: tác giả Woody Übermensch và một số nguồn khác