Có thể bạn đã từng nhận ra rằng trong một bộ phim hoạt hình, người tốt thường có gương mặt tròn, còn kẻ xấu thì góc cạnh tam giác. Một kênh YouTube có tên Now You See It đã tiết lộ cách mà Disney và các nhà làm phim khác sử dụng thủ thuật để làm cho người xem đồng cảm với nhân vật chính và ghét nhân vật phản diện trong các bộ phim.
Cùng mình khám phá một khía cạnh thú vị của ngành công nghiệp điện ảnh qua bài viết dưới đây nhé!
Hình học được thể hiện như thế nào trong phim hoạt hình?
Hình dưới đây bao gồm:
Russell (bên trái) là một cậu bé đáng yêu trong bộ phim ‘Up’ của Pixar, Ralph trong ‘Wreck it Ralph’ là một nhân vật mạnh mẽ và vững chãi, còn Yubaba (bên phải) là một phù thủy trong bộ phim hoạt hình ‘Spirited Away’.
Như vậy, bạn có thể thấy:
- Hình tròn đang đại diện cho những nhân vật đáng yêu, hiền hậu và dễ thương.
- Hình vuông tượng trưng cho sự chắc chắn, mạnh mẽ nhưng đồng thời cũng đại diện cho sự cứng nhắc, không chịu thay đổi.
- Hình tam giác thường thể hiện sự nguy hiểm, độc ác
Vậy nguyên nhân là do đâu?
Lý do mà các nhân vật trong phim hoạt hình có khuôn mặt với nhiều hình dạng khác nhau là vì não bộ của con người có thể liên kết hình dạng với các ý nghĩa cụ thể. Não bộ của chúng ta luôn coi những hình dáng góc cạnh là mối nguy hiểm (ví dụ như dao nhọn, góc bàn và những thứ tương tự).
Mặt khác, hình ảnh kèm theo một vòng tròn ở giữa có thể tạo cảm giác theo dõi (tương tự một chiếc camera) hay những hình sọc đan xen gợi lên rằng nhân vật đang gặp phải tình thế bó buộc.
Các nhà làm phim đã khéo léo tận dụng hành vi thú vị này của não bộ để kể chuyện mà không cần phải diễn dãi trực tiếp cho người xem.
Thực nghiệm của kênh Now You See It
Kênh YouTube Now You See It đã nghiên cứu về ảnh hưởng của hình dạng đối với tính cách của nhân vật và cách mà hình học liên quan đến việc kể chuyện bằng hình ảnh trong những bộ phim hoạt hình.
Now You See It bắt đầu đoạn video “Hình học trong phim – Định hình cách bạn nghĩ”, bằng cách trình bày cho khán giả một bức hình với hai hình dạng: một có các cạnh nhọn (giống như một tia sao băng) và cái kia có các bên mềm mại, giống như một đám dày.
“Giả sử tôi hiển thị hai hình dạng và hỏi bạn cái nào phù hợp với Bouba và cái nào phù hợp với từ Kiki” Jack Nugent, người sáng lập Now You See It đã hỏi trong video.
Kết quả là đa số mọi người (98%), bất kể độ tuổi, giới tính hay địa điểm đã chọn hình dạng nhọn là Kiki còn hình dạng mềm mại là Bouba.
Như vậy, bài thử nghiệm đã cho thấy não bộ con người có thể tự xác định tên cho những hình ảnh cụ thể một cách vô thức và đa số chúng ta đều như vậy.
Một số ví dụ về cách mà hình dáng thể hiện tích cách nhân vật
Trong phim Inside Out, Joy được các nhà thiết kế xây dựng một khuôn mặt tròn để người xem biết cô ấy là một nhân vật đáng yêu trong phim.
Ngược lại, mặc dù Fear trong bộ phim ‘Inside Out’ không phải là một nhân vật phản diện độc ác, nhưng anh ta đại diện cho cảm xúc sợ hãi. Nên để truyền tải điều này đến khán giả một cách trực quan, các nhà sáng tạo đã vẽ anh ta bằng những nét sắc sảo hơn.
Mặt khác, trong bộ phim ‘Star War’, mũ của Darth Vader được thiết kế với hình tam giác ở mặt trước, gợi lên sự ghê sợ ở nhân vật này.
Ở bản parody của Star War là Spaceballs, chiếc mũ của Darth Vader đã được sửa lại thành hình tròn để trông đáng yêu hơn. Do đó, các nhà quay phim có thể cho bạn thấy tính cách của nhân vật chỉ bằng cách sử dụng hình dạng.
Còn một ví dụ điển hình khác đó là sự thay đổi rõ rệt của Anton Ego trong bộ phim Ratatouille của Disney – từ hình dáng góc cạnh đại diện cho một trong những phản diện trong phim bỗng chốc biến thành một hình dáng mềm mại, đáng thương của một chú bé vừa ngã xe đạp sau khi nhớ lại một số kí ức trong quá khứ. Đây một cách chuyển hình ảnh tinh tế thông qua một cảnh hồi tưởng.
Một trong những nhân vật phản diện xuất sắc nhất trên màn ảnh là Maleficent trong phim ‘Người đẹp ngủ trong rừng’ phát hành năm 1959. Các nhà làm phim hoạt hình đảm bảo rằng hầu hết các đặc điểm và trang phục của cô đều được thiết kế với các cạnh nhọn.
Và trong bản live-action 2014, Maleficent vẫn được thể hiện với quai hàm và lông mày nhọn để giữ cho nhân vật phản diện trông sống động hơn.
Một ví dụ khác về nhân vật hình vuông là Carl Fredricksen (phải) trong phim Up. Ông là một cụ già bướng bỉnh, cố chấp và người xem được biết điều đó qua khuôn mặt vuông vức của ông. Tuy nhiên, Russell (trái) là một cậu bé vui vẻ, đó là lý do tại sao cậu có khuôn mặt tròn trịa hơn.
Không chỉ dừng lại ở hình dáng và khuôn mặt nhân vật, các nhà làm phim còn khéo léo lồng ghép những hình học vào trong cảnh phim, mỗi một hình dáng như vậy đều mang một dụng ý cụ thể.
Ví dụ như cảnh Mr. Incredible – Bob Parr ngồi trong một khung hình chữ nhật khép kín, tạo nên cảm giác gò bó, tù túng. Bạn sẽ biết rõ điều này nếu như đã xem bộ phim The Incredibles.
Hoặc một cảnh trích từ bộ phim Catch Me If You Can, bạn sẽ thấy những khung cửa kéo ngang màn hình và nhân vật tương tự như những khung sắt trong nhà tù. Điều này gợi lên hình ảnh của một cuộc sống nhàm chán, bó buộc mà nhân vật đang gặp phải.
Ngoài ra, một hình tròn lớn tập trung trên màn ảnh sẽ tạo cho ta một cảm giác bị theo dõi, rình mò.
Hoặc những đường kẻ thẳng trên màn ảnh sẽ khiến người xem tập trung vào mục tiêu đang được hướng tới. Chẳng hạn như một cảnh trong bộ phim kinh dị nổi tiếng The Shining. Cảnh quay này đang hướng tới cặp song sinh ma trong khách sạn.
Kết luận
Tóm lại, hình học không chỉ là một yếu tố thị giác mà còn là một ngôn ngữ mạnh mẽ để kể chuyện trong điện ảnh,. Việc sử dụng các hình dạng khác nhau cho nhân vật và cảnh quay sẽ tạo ra sự độc đáo, đồng thời góp phần vào việc xây dựng bối cảnh của câu chuyện, giúp người xem đưa ra đánh giá mà không cần phải thể hiện trực tiếp.