Bạn có bao giờ cảm thấy ông trời như đang cố tình trêu ngươi khi những cơn mưa bất chợt ập đến đúng lúc bạn chuẩn bị tan làm? Mưa không chỉ làm ướt áo quần mà còn khiến tâm trạng chúng ta trở nên tồi tệ hơn sau một ngày làm việc vất vả. Liệu có ẩn chưa một quy luật nào đó đằng sau những cơn mưa này không? Cùng mình tìm hiểu nguyên nhân tại sao trời thường mưa vào giờ tan làm trong bài viết dưới đây nhé!
Mưa được hình thành như thế nào?
Mưa bắt đầu từ sự bốc hơi của nước từ các nguồn như biển, sông, hồ và thậm chí là từ đất và thực vật. Khi nước bốc hơi, nó sẽ chuyển từ trạng thái lỏng sang hơi nước và bay lên không trung. Hơi nước này sẽ bị đẩy lên cao, nơi nhiệt độ không khí thấp hơn. Khi hơi nước bay lên đến một độ cao nhất định, nhiệt độ bắt đầu giảm, khiến hơi nước ngưng tụ lại thành các hạt nước nhỏ hoặc tinh thể băng và hình thành các đám mây.
Những hạt nước hoặc tinh thể băng trong mây kết hợp lại với nhau khiến chúng lớn dần và trở nên nặng hơn. Sau khi đạt đến một độ lớn nhất định, lực hấp dẫn sẽ kéo chúng rơi xuống dưới dạng mưa.
Mưa là một phần quan trọng trong vòng tuần hoàn của nước trên Trái Đất. Nước không bao giờ mất đi mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác qua các quá trình bốc hơi, ngưng tụ và mưa.
Nhiệt độ và độ ẩm của không khí đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành mưa. Không khí nóng chứa được nhiều hơi nước hơn không khí lạnh. Khi không khí nóng bốc lên cao gặp không khí lạnh, hơi nước ngưng tụ và tạo thành mưa.
Bên cạnh đó, sự chênh lệch áp suất không khí cũng ảnh hưởng đến quá trình hình thành mưa. Khi có sự chênh lệch áp suất, không khí di chuyển, mang theo hơi nước và tạo điều kiện cho mưa xảy ra.
Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến quá trình hình thành mưa như địa hình, gió, dòng biển…
Tại sao trời thường mưa vào giờ tan làm?
Ai trong chúng ta cũng từng ít nhất một lần trải qua cảm giác ướt sũng khi tan làm vì trời mưa. Hơn nữa, đó không phải là một cơn mưa rào mà thường là một cơn giông lớn với các đám mây đen khổng lồ, khiến cuộc hành trình về nhà trở nên khó khăn hơn. Vậy đâu là nguyên nhân khiến những cơn mưa thường xuyên “ghé thăm” vào đúng thời điểm chúng ta muốn về nhà nhất?
Vào ban ngày, đặc biệt là mùa hè, mặt trời chiếu sáng làm nhiệt độ bề mặt Trái Đất tăng lên. Khi đó, không khí xung quanh bị nung nóng, trở nên nhẹ hơn và bắt đầu bay lên cao. Cùng với không khí nóng này, hơi nước cũng bốc lên theo. Khi đạt đến độ cao nhất định, không khí bắt đầu nguội đi, làm cho hơi nước ngưng tụ thành các hạt nước nhỏ, tạo thành mây.
Đến buổi chiều, thường là khoảng từ 4 đến 6 giờ, nhiệt độ mát dần, không khí lạnh hơn chìm xuống và đẩy không khí nóng ẩm lên cao hơn nữa. Quá trình ngưng tự đạt đến đỉnh điểm, dẫn đến sự hình thành các đám mây dày đặc và nặng hơn. Khi các giọt nước trong mây trở nên đủ lớn và nặng, chúng bắt đầu rơi xuống, gây ra mưa.
Ngoài ra, các hệ thống thời tiết như áp thấp nhiệt đới, rãnh áp thấp thường di chuyển và hoạt động mạnh vào cuối ngày cũng tạo điều kiện cho mưa xảy ra. Các yếu tố khác như gió và địa hình cũng có thể góp phần thúc đẩy quá trình hình thành mưa vào thời điểm này trong ngày.
Vì vậy, mưa vào giờ tan làm không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả của các quá trình ngưng tụ không khí diễn ra trong suốt cả ngày, đặc biệt là sau một ngày nắng nóng.
Kết luận
Hiểu rõ về cơ chế này giúp chúng ta không chỉ giải thích được một hiện tượng quen thuộc mà còn có thể dự đoán cũng như chuẩn bị tốt hơn cho những cơn mưa bất chợt vào thời điểm tan tầm. Để đối phó với những cơn mưa như vậy, bạn nên chuẩn bị một chiếc ô hoặc áo mưa nhỏ gọn để mang theo bên mình. Ngoài ra, bạn có thể theo dõi dự báo thời tiết để chủ động hơn trong việc sắp xếp công việc và di chuyển.