Con người luôn cho rằng mình là các cá thể có suy nghĩ độc lập. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh hành vi của chúng ta thường bị chi phối bởi môi trường và những người xung quanh. Các nhà tâm lý học gọi hiện tượng xã hội này là “hiệu ứng đám đông”. Vậy cụ thể Hiệu ứng đám đông là gì? Tại sao chúng ta lại dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những ý kiến, hành động của người xung quanh, ngay cả khi chúng trái ngược với suy nghĩ riêng của mình?
Cùng mình tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Hiệu ứng đám đông là gì?
Định nghĩa hiệu ứng đám đông
Vào năm 2010, một nhóm người tụ tập tại Quảng trường Thời Đại ở New York để dõi theo màn hình TV khổng lồ chiếu cảnh đám cưới của Hoàng tử William và Công nương Kate Middleton. Điều đáng nói, số lượng người tham gia tăng dần theo thời gian. Dù không quen biết nhau, họ vẫn hòa mình vào bầu không khí vui tươi, hân hoan, cùng nhau reo hò và vỗ tay chúc mừng. Đây chính là minh chứng cho sức mạnh của hiệu ứng đám đông, khi nó có thể kết nối con người và tạo nên những cảm xúc chung.
Hiệu ứng đám đông, hay còn gọi là tâm lý đám đông được định nghĩa là một hiện tượng tâm lý xã hội mô tả sự thay đổi hành vi, suy nghĩ và cảm xúc của một cá nhân khi họ trở thành một phần của một đám đông. Nói một cách đơn giản, hiệu ứng này xảy ra khi hành vi của một cá nhân bị ảnh hưởng bởi hành vi của những người xung quanh.
Khi hiệu ứng đám đông xuất hiện, các cá nhân thường bỏ qua những suy xét độc lập của mình để tuân theo những hành vi, quyết định của số đông, dẫn đến việc tạo ra những hành động hoặc quyết định tập thể mà không phải lúc nào cũng hợp lý hay có lợi.
Hiệu ứng đám đông thường thấy trong nhiều lĩnh vực như tài chính, tiêu dùng, chính trị và các sự kiện xã hội.
Nghiên cứu ban đầu về hiệu ứng đám đông
Quan điểm về hiệu ứng đám đông phần lớn bắt nguồn từ những cuộc tranh luận giữa các nhà tội phạm học hàng đầu Scipio Sighele và Gabriel Tarde tại Đại hội Quốc tế Nhân loại học Hình sự năm 1889 ở Pháp. Những thảo luận ban đầu xoay quanh việc xác định trách nhiệm giải trình và trách nhiệm hình sự đối với các tội ác do đám đông gây ra.
Tuy nhiên, mãi đến cuối thế kỷ 19, sự quan tâm về lĩnh vực này mới thực sự được chú ý. Bác sĩ – nhà nhân chủng học người Pháp Gustave Le Bon trở thành nhà lý thuyết có ảnh hưởng nhất khi nghiên cứu về hiệu ứng đám đông.
Le Bon đã mở rộng thêm những ý tưởng này bằng cách lập luận rằng những nhà độc tài như Hitler hay Mussolini đã giành được quyền lực và sức mạnh bằng cách sử dụng các kỹ thuật tâm lý đám đông.
Ông chỉ ra nguyên tắc cơ bản trở thành nền tảng cốt lõi của lý thuyết này đó là các cá nhân có xu hướng đánh mất ý thức về bản thân và trách nhiệm chỉ họ vì là một phần của “đám đông”. Các nghiên cứu của ông cho thấy rằng khi trở thành thành viên của đám đông, một cá nhân sẽ dần tụt dốc khỏi thang bậc hành vi văn minh và cho phép trạng thái bản năng, cảm xúc của họ chiếm ưu thế.
Nguyên nhân nào dẫn đến hiệu ứng đám đông?
Nguồn gốc của hiệu ứng đám đông bắt nguồn từ các yếu tố tâm lý và xã hội. Về mặt tâm lý, con người có nhu cầu kết nối, có xu hướng tìm kiếm sự an toàn và xác nhận từ những người xung quanh. Việc tuân theo hành vi của đám đông giúp mang lại cảm giác an toàn, giảm thiểu rủi ro bị cô lập hoặc bị sai lầm. Đây là một cơ chế sinh tồn đã tồn tại từ thời nguyên thủy, khi con người sống thành bầy đàn và sự đồng thuận của nhóm giúp tăng khả năng sống sót.
Về mặt xã hội, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi đứng trước những tình huống không chắc chắn hoặc căng thẳng, con người dễ bị ảnh hưởng bởi quyết định và hành vi của những người khác. Sự lan truyền của thông tin và cảm xúc trong nhóm cũng là một yếu tố quan trọng. Mọi người có xu hướng tin tưởng vào những gì họ nghe từ những người khác, đặc biệt là nếu những người đó có vẻ tự tin hoặc am hiểu.
Thêm vào đó, các yếu tố văn hóa và xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và duy trì hiệu ứng đám đông. Trong một xã hội có xu hướng tôn vinh sự đồng thuận, hiệu ứng đám đông trở nên mạnh mẽ hơn khi mọi người cố gắng tuân thủ các chuẩn mực và giá trị chung của cộng đồng.
Một số học thuyết về hiệu ứng đám đông
Nhiều nhà nghiên cứu và học giả chuyên môn đã thảo luận về các ý tưởng cũng như cách tiếp cận khác nhau liên quan đến hiệu ứng đám đông. Dưới đây là một số học thuyết nổi bật về hiệu ứng đám đông cần lưu ý:
- Thuyết lây lan (Contagion Theory): Học thuyết này cho rằng hành động, suy nghĩ và ý kiến của đám đông sẽ ảnh hưởng đến hành động của một cá nhân. Giống như tên gọi, đây là sự ảnh hưởng theo kiểu lây lan, với các ý tưởng được tiêm nhiễm vào tâm trí của một cá nhân thông qua quá trình lây lan.
- Thuyết hội tụ (Convergence Theory): Học thuyết này dựa trên quan điểm cho rằng hành vi đám đông không hoàn toàn phi lý trí mà xuất phát từ suy nghĩ, giá trị và niềm tin của đại đa số mọi người. Khi nhiều người có chung niềm tin và quan điểm, sự hội tụ sẽ dần phát triển và tác động đến từng cá nhân trong đám đông.
- Thuyết mất cá tính (Deindividuation Theory): Học thuyết này mô tả mọi người có tính đoàn kết về mặt tinh thần trong đám đông, bất kể những rào cản như khoảng cách và ranh giới. Khi một cá nhân hòa nhập vào một đám đông, họ có xu hướng đánh mất nhận thức về bản thân và hành động theo cách mà họ bình thường sẽ không làm khi ở một mình.
- Thuyết cổ điển (Classical Theories): Được phát triển bởi các nhà tâm lý học và xã hội học tiên phong như Gustave Le Bon, Scipio Sighele và Gabriel Tarde vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Theo quan điểm này, đám đông được xem như một thực thể tập thể có tính cách riêng biệt, khác với tính cách của các cá nhân tạo nên nó. Khi đó, đám đông có xu hướng hành động phi lý trí và thiếu suy nghĩ, dẫn đến những hành vi bạo lực, phá hoại hoặc nguy hiểm.
- Thuyết chuẩn mực mới nổi (Emergent Norm Theory): Học thuyết này nhấn mạnh rằng đám đông phát triển các ý tưởng và niềm tin của riêng họ trong một tình huống nhất định và mọi người có xu hướng tuân theo chúng. Điều này có thể là do lợi ích của họ thực sự phù hợp với đám đông hoặc do sự phát triển của kiến thức chung về một tình huống cụ thể. Một số người cũng có thể chạy theo đám đông vì sợ bị bỏ rơi hoặc xa lánh khỏi nhóm.
Hiệu ứng đám đông trong các lĩnh vực
Tài chính
Trong lĩnh vực tài chính, hiệu ứng đám đông thường thấy rõ qua các hiện tượng bong bóng tài chính và sự hoảng loạn trên thị trường. Khi một nhóm các nhà đầu tư bắt đầu mua vào hoặc bán ra một loại cổ phiếu, những nhà đầu tư khác cũng có xu hướng làm theo do tâm lý sợ bỏ lỡ (FOMO), ngay cả khi họ không hiểu rõ lý do thực sự đằng sau hành động đó.
Black Monday – một bài học điển hình của hiệu ứng đám đông lên thị trường chứng khoán
Ngày thứ hai đen tối (Black Monday) là một cuộc khủng hoảng tài chính quan trọng xảy ra sau Đại suy thoái (The Great Depression) đã minh họa rõ nét cho sự ảnh hưởng của hiệu ứng đám đông lên thị trường chứng khoán.
Năm 1987, thị trường chứng khoán chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể, với Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (DJIA) tăng 44% vào cuối tháng 8. Điều này khiến nhiều người nghi ngờ bong bóng tài sản đã hình thành. Tuy nhiên, một loạt tin tức tiêu cực vào giữa tháng 10, bao gồm đợt thâm hụt thương mại chưa từng có và đồng đô la Mỹ giảm giá mạnh đã dẫn đến biến động thị trường theo chiều hướng cực đoan.
Tình hình trở nên tồi tệ hơn vào ngày 16 tháng 10 khi nhiều hoạt động liên quan đến hợp đồng tương lai và quyền chọn diễn ra đồng thời, hiện tượng này được gọi là “triple witching”. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính James Baker tuyên bố đồng đô la Mỹ sẽ phải được phá giá để kiềm chế thâm hụt thương mại. Thông báo này chỉ như đổ thêm dầu vào lửa, khiến cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng. Khi thị trường châu Á sụp đổ vào thứ Hai, hiệu ứng domino lan rộng khắp thế giới. Chỉ số DJIA giảm 22,6% và các thị trường trên toàn cầu đều chịu ảnh hưởng nặng nề.
Hiệu ứng đám đông đóng vai trò quan trọng trong sự sụp đổ này. Bán tháo ồ ạt, lo ngại lãi suất tăng và các lệnh giao dịch tự động đã khiến các thị trường toàn cầu rơi vào hỗn loạn, góp phần vào sự sụp đổ của thị trường. Tuy nhiên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã kịp thời hành động để bơm tiền và giảm lãi suất nhằm ngăn chặn suy thoái, cuối cùng dẫn đến phục hồi thị trường chứng khoán.
Tiêu dùng
Hiệu ứng đám đông cũng ảnh hưởng lớn đến hành vi tiêu dùng. Khi nhiều người bắt đầu ưa chuộng một sản phẩm hoặc thương hiệu nào đó, những người khác có xu hướng tin rằng sản phẩm đó thực sự tốt và bắt đầu mua theo. Điều này có thể thấy rõ trong các chiến dịch marketing viral, nơi một sản phẩm trở nên “hot” chỉ sau một đêm nhờ sự lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Ví dụ, các sản phẩm công nghệ như điện thoại iPhone thường thu hút được lượng lớn người mua ngay khi ra mắt nhờ vào hiệu ứng đám đông.
Chính trị và các sự kiện xã hội
Trong chính trị, hiệu ứng đám đông có thể dẫn đến sự tăng hoặc giảm đột ngột trong sự ủng hộ dành cho các chính trị gia hoặc phong trào. Khi một ứng cử viên hoặc một phong trào nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ một nhóm người sẽ lan tỏa nhanh chóng đến những người khác, tạo ra sự bùng nổ lượng người ủng hộ. Ngược lại, khi một chính trị gia gặp phải scandal hoặc mất lòng tin từ một phần lớn dân chúng, hiệu ứng đám đông có thể khiến họ bị bỏ lại phía sau.
Ngoài ra, cảm xúc của đám đông cũng có thể bị thao túng bởi các nhà lãnh đạo chính trị, dẫn đến sự ủng hộ hoặc phản đối mạnh mẽ. Ví dụ, một bài phát biểu hùng hồn có thể khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết, thúc đẩy người dân tham gia vào các cuộc biểu tình hoặc bỏ phiếu cho một chính sách cụ thể.
Trong các sự kiện xã hội, hiệu ứng đám đông có thể dẫn đến những hành vi tập thể mà từng cá nhân có thể không thực hiện nếu họ ở một mình. Điển hình là tại các buổi hòa nhạc hoặc sự kiện thể thao đã cho thấy cách mà cảm xúc và hành vi của cá nhân có thể bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh.
Mạng xã hội
Mạng xã hội là môi trường lý tưởng cho hiệu ứng đám đông phát triển. Thông tin, cảm xúc và hành vi có thể lan truyền một cách nhanh chóng và rộng rãi trên các nền tảng như Facebook, Twitter và Instagram. Khi một bài viết hoặc video trở nên viral, nó thường kéo theo hàng loạt người theo dõi, chia sẻ và thảo luận, tạo ra những làn sóng ảnh hưởng rộng khắp. Điều này có thể dẫn đến cả những tác động tích cực hoặc tiêu cực, tùy thuộc vào nội dung và cách thức lan truyền.
Như vậy, hiệu ứng đám đông có ảnh hưởng sâu rộng và mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ tài chính, tiêu dùng, chính trị, đến các sự kiện xã hội và mạng xã hội. Hiểu rõ về hiện tượng này giúp chúng ta nhận thức được sức mạnh và nguy cơ của nó, từ đó có những quyết định sáng suốt hơn trong cuộc sống.
Các mặt tích cực và tiêu cực của hiệu ứng đám đông
Mặt tích cực
Khuyến khích sự thay đổi xã hội
Hiệu ứng đám đông có thể thúc đẩy những thay đổi tích cực trong xã hội. Khi nhiều người cùng chung tay ủng hộ một mục tiêu chung, nó tạo ra sức mạnh tập thể lớn lao, gây áp lực lên các nhà lãnh đạo và chính phủ để thực hiện các cải cách cần thiết.
Ví dụ:
Phong trào #MeToo: Phong trào này bắt đầu từ mạng xã hội, nơi hàng triệu phụ nữ đã lên tiếng về những trải nghiệm bị quấy rối và bạo lực tình dục. Sự lan tỏa mạnh mẽ của phong trào đã tạo ra một cuộc cách mạng toàn cầu, dẫn đến những thay đổi luật pháp và chính sách về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở nhiều quốc gia.
Tăng cường tinh thần đoàn kết và cộng đồng
Hiệu ứng đám đông có thể tạo ra sự gắn kết mạnh mẽ trong cộng đồng. Khi mọi người cùng tham gia vào một hoạt động chung, họ cảm thấy được kết nối và và chia sẻ cùng nhau.
Các sự kiện như lễ hội, cuộc thi, hoặc các hoạt động từ thiện thường tạo ra một tinh thần đoàn kết và tương trợ lẫn nhau.
Ví dụ:
Chiến dịch “Ice Bucket Challenge”: Chiến dịch này đã thu hút hàng triệu người trên toàn thế giới tham gia quyên góp cho nghiên cứu về bệnh ALS. Sự tham gia đông đảo đã không chỉ gây quỹ được số tiền lớn mà còn nâng cao nhận thức cộng đồng về căn bệnh này.
Lan truyền thông tin nhanh chóng
Hiệu ứng đám đông giúp lan truyền thông tin và ý tưởng một cách nhanh chóng. Điều này có thể đặc biệt hữu ích trong các tình huống khẩn cấp hoặc khi cần phổ biến những thông tin quan trọng đến một lượng lớn người trong thời gian ngắn.
Ví dụ:
- Trong đại dịch COVID-19, hiệu ứng đám đông trên mạng xã hội đã giúp truyền tải nhanh chóng các thông tin về biện pháp phòng ngừa và các chính sách y tế.
- Hoặc trong các thảm họa tự nhiên như động đất, sóng thần, hoặc bão, thông tin về biện pháp phòng tránh và cứu trợ thường được lan truyền nhanh chóng nhờ hiệu ứng đám đông, giúp cứu sống nhiều người và giảm thiểu thiệt hại về vật chất.
Thúc đẩy đổi mới và cải tiến
Hiệu ứng đám đông có thể thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo khi ý tưởng mới được nhiều người ủng hộ và cùng nhau phát triển.
Ví dụ:
Các nền tảng như Kickstarter hay Indiegogo cho phép các nhà sáng tạo huy động vốn từ cộng đồng cho các dự án sáng tạo của họ. Sự ủng hộ từ đám đông giúp biến những ý tưởng mới mẻ thành hiện thực, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của nhiều sản phẩm và dịch vụ sáng tạo.
Tạo động lực và cảm hứng
Hiệu ứng đám đông có thể tạo ra động lực và cảm hứng cho cá nhân khi họ thấy mình là một phần của một phong trào lớn hơn.
Ví dụ:
Các sự kiện như chạy marathon từ thiện thường thu hút hàng ngàn người tham gia. Sự tham gia đông đảo không chỉ tạo ra nguồn quỹ lớn cho các hoạt động từ thiện mà còn truyền cảm hứng cho nhiều người khác rèn luyện sức khỏe cũng như tham gia vào các hoạt động xã hội.
Mặt tiêu cực
Dẫn đến quyết định không hợp lý
Một trong những mặt tiêu cực lớn nhất của hiệu ứng đám đông là nó có thể dẫn đến các quyết định không hợp lý hoặc thiếu suy nghĩ. Khi cá nhân bị cuốn theo hành vi của đám đông, họ có thể bỏ qua việc đánh giá rủi ro và hậu quả.
Ví dụ:
Bong bóng dot-com vào cuối thập niên 1990 là kết quả của việc nhiều nhà đầu tư đổ xô vào các công ty công nghệ mới nổi mà không đánh giá kỹ lưỡng, dẫn đến sự tăng giá phi mã và sau đó là sự sụp đổ nghiêm trọng khi bong bóng vỡ.
Khuyến khích hành vi tiêu cực và bạo lực
Hiệu ứng đám đông có thể kích thích các hành vi tiêu cực và bạo lực. Khi cá nhân cảm thấy được bảo vệ bởi sự ẩn danh của đám đông, họ có thể thực hiện những hành vi mà bình thường họ sẽ không làm.
Ví dụ:
Các cuộc bạo loạn thể thao thường bắt đầu từ những tranh cãi nhỏ nhưng nhanh chóng biến thành bạo lực khi đám đông bị kích động. Một ví dụ điển hình là cuộc bạo loạn tại sân vận động Heysel năm 1985, dẫn đến cái chết của 39 người và hơn 600 người thương vong.
Lan truyền thông tin sai lệch và tin đồn thất thiệt
Hiệu ứng đám đông cũng góp phần lan truyền thông tin sai lệch và tin đồn một cách nhanh chóng. Trên mạng xã hội, những tin tức giả mạo hoặc thông tin không kiểm chứng có thể lan rộng, gây hoang mang và hiểu lầm trong cộng đồng.
Ví dụ:
Trong đại dịch COVID-19, nhiều tin đồn và thông tin sai lệch về các biện pháp phòng chống virus đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, gây ra sự lo lắng cũng như dẫn đến các hành động không hợp lý, chẳng hạn như tích trữ giấy vệ sinh hoặc các sản phẩm y tế không cần thiết.
Gây áp lực xã hội và mất đi sự độc lập trong suy nghĩ
Hiệu ứng đám đông có thể gây áp lực xã hội lên cá nhân, khiến họ cảm thấy bị ép buộc phải tuân theo ý kiến hoặc hành vi của số đông, mặc dù có thể họ không đồng ý hoặc không cảm thấy thoải mái.
Ví dụ:
Trong trường học, hiện tượng bắt nạt tập thể thường xảy ra khi một nhóm học sinh cùng nhau bắt nạt một cá nhân, khiến nạn nhân cảm thấy cô lập và bất lực. Áp lực từ đám đông có thể làm tăng mức độ tổn thương tâm lý của nạn nhân. Điều đáng nói, trong số những học sinh tham gia bắt nạt, có nhiều cá nhân không thực sự muốn làm điều đó.
Lợi dụng hiệu ứng đám đông để thao túng
Đây là một trường hợp rất phổ biến. Hiệu ứng đám đông có thể bị lợi dụng bởi các cá nhân hoặc tổ chức nhằm thao túng người khác vì lợi ích riêng. Dưới đây là một số ví dụ điển hình:
Vụ GameStop năm 2021:
Vào đầu năm 2021, cổ phiếu của công ty GameStop đã trải qua một đợt tăng giá đột ngột do sự phối hợp của các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên diễn đàn Reddit (r/WallStreetBets). Họ đã đồng loạt mua vào cổ phiếu GameStop, gây ra hiện tượng “short squeeze” (ép bán khống), khiến giá cổ phiếu tăng vọt từ khoảng 20 USD lên hơn 400 USD trong thời gian ngắn. Sự tăng giá này không dựa trên nền tảng kinh doanh của công ty mà chủ yếu do hiệu ứng đám đông và sự thao túng của một nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Khủng hoảng khẩu trang y tế:
Trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, nhu cầu khẩu trang y tế tăng đột biến, dẫn đến tình trạng khan hiếm và giá cả leo thang. Một số nhà cung cấp đã lợi dụng hiệu ứng đám đông, tích trữ khẩu trang và đẩy giá lên cao, gây ra sự hoảng loạn và khó khăn cho người dân trong việc mua khẩu trang để phòng chống dịch.
Tin giả trong bầu cử:
Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, đã có nhiều thông tin sai lệch và tin đồn được lan truyền trên mạng xã hội nhằm ảnh hưởng đến ý kiến và quyết định của cử tri. Các thông tin này thường được tạo ra bởi các tổ chức hoặc cá nhân với mục đích thao túng kết quả bầu cử.
Tiếp thị đa cấp:
Các mô hình kinh doanh đa cấp thường lợi dụng hiệu ứng đám đông để lôi kéo người tham gia. Họ sử dụng những người tham gia trước để chứng minh hiệu quả và thành công của hệ thống, từ đó kích thích đám đông tham gia mà không suy xét kỹ lưỡng về rủi ro. Nhiều người đã bị lừa mất tiền vì tin vào hiệu ứng đám đông mà không đánh giá đúng bản chất của mô hình này.
Kết luận
Hiệu ứng đám đông là một hiện tượng tâm lý phức tạp, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi và quyết định của con người trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Từ tài chính, tiêu dùng, đến chính trị và các sự kiện xã hội, hiệu ứng này mang đến cả những lợi ích và rủi ro đáng kể.
Hiểu rõ về hiệu ứng đám đông không chỉ giúp chúng ta nhận thức được sức mạnh của sự đồng thuận tập thể mà còn cảnh giác với những nguy cơ bị thao túng và mất đi sự độc lập trong suy nghĩ. Qua đó, chúng ta có thể đưa ra những quyết định thông minh và hợp lý hơn, đồng thời góp phần xây dựng một xã hội biết tôn trọng sự đa dạng ý kiến và phát triển bền vững.