Đã bao giờ bạn dằn vặt vì một khoản đầu tư thất bại hay một quyết định chi tiêu sai lầm trong quá khứ? Liệu khoảng chi phí này có ảnh hưởng đến những lựa chọn của bạn trong tương lai? Câu trả lời có thể nằm ở khái niệm Sunk cost – “chi phí chìm”, một thuật ngữ kinh tế tưởng chừng đơn giản nhưng lại ẩn chứa nhiều “bẫy” nguy hiểm. Vậy cụ thể Sunk cost là gì? Các bạn hãy cùng TinoHost hiểu rõ chi phí chìm và chi phí cơ hội để tối ưu lợi nhuận trong bài viết dưới đây nhé!
Sunk cost là gì?
Định nghĩa Sunk cost
Sunk cost, hay chi phí chìm, đề cập đến khoản đầu tư đã thực hiện và không thể thu hồi lại. Trong kinh doanh, chi phí chìm có thể là khoản chi phí cho: marketing, nghiên cứu, cài đặt phần mềm hoặc thiết bị mới, lương và phúc lợi, hoặc chi phí cơ sở vật chất.
Ví dụ:
Một hãng phim chi 50 triệu đô la để sản xuất phim và thêm 20 triệu đô la nữa cho quảng cáo. Tuy nhiên, bộ phim lại gây thất vọng tại phòng vé và chỉ thu về 15 triệu đô la. Bất kỳ khoản nào trong ngân sách đó không được thu hồi lại đều là chi phí chìm.
Hoặc
Chủ nhà hàng đang cân nhắc mở rộng nhà hàng thành chuỗi. Họ chi 10.000 đô la cho nghiên cứu thị trường và dựa trên nghiên cứu đó, họ xác định rằng việc mở một địa điểm mới ở một khu vực cụ thể có thể không sinh lời nên không tiến hành mở rộng. Như vậy, 10.000 đô la đó trở thành chi phí chìm.
Về mặt lý thuyết, các nhà kinh tế học cho rằng, chi phí chìm không liên quan đến việc ra quyết định trong tương lai. Tuy nhiên, trên thực tế, chi phí chìm có thể và thực sự ảnh hưởng đáng kể đến các quyết định của doanh nghiệp sau này.
Thay vì cân nhắc các chi phí cũng như lợi ích ở hiện tại và tương lai, chúng ta vẫn tập trung vào các khoản đầu tư trong quá khứ và để chúng chi phối các quyết định của mình. Điều đó chủ yếu là do việc tiêu tốn thời gian, công sức hoặc tài chính đã đầu tư trước đó trở thanh một thách thức về mặt tâm lý, đặc biệt là khi kết quả của những khoản đầu tư đó không đáp ứng được kỳ vọng.
Bẫy chi phí chìm (sunk cost fallacy): Cố cứu vãn khoản đầu tư sai lầm?
Bẫy chi phí chìm (Sunk cost fallacy) xảy ra khi chúng ta cảm thấy đã đầu tư quá nhiều công sức hoặc tiền bạc vào một thứ gì đó đến mức không muốn từ bỏ. Chiếc bẫy tâm lý này khiến chúng ta cứ khăng khăng theo đuổi một kế hoạch ngay cả khi điều đó không còn mang lại lợi ích, thậm chí thiệt hại còn lớn hơn lợi ích thu được.
Không chỉ là một thuật ngữ trong ngành kinh tế, chi phí chìm có thể là bất cứ thứ gì bạn đã đầu tư và không thể lấy lại được. Hiện tượng tâm lý này có thể xuất hiện trong những quyết định quan trọng của cuộc đời, chẳng hạn như:
- Giữ mối quan hệ không hạnh phúc chỉ vì đã gắn bó nhiều năm.
- Theo học một ngành không còn hứng thú chỉ vì đã đóng một khoản học phí cao.
- Nghĩ rằng không thể đổi đề tài luận văn vì đã dành quá nhiều thời gian nghiên cứu.
- Xem hết một bộ phim dù cảm thấy chán ngắt.
- Ở lại một công việc không thỏa mãn vì đã trải qua nhiều tháng đào tạo.
Tại sao chúng ta thường mắc phải bẫy chi phí chìm?
Jim Semick, đồng sáng lập ProductPlan, một công ty phần mềm văn phòng nổi tiếng có trụ sở chính tại San Francisco, California giải thích như thế này:
“Trong lý thuyết về chi phí chìm, chúng ta thường quyết định gắn bó với một thứ gì đó chỉ vì đã đầu tư nhiều thời gian hoặc nguồn lực. Chúng ta tin rằng vì đã chi một khoản tiền vào nên sẽ có cách để thu hồi lại. Đó là một sai lầm.“
Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 1985 bởi các nhà nghiên cứu về kinh tế học hành vi, Hal Arkes và Catherine Blumer, cho thấy rằng “quyết định của mọi người phụ thuộc rất nhiều vào thời gian và nguồn lực họ đã đầu tư vào vấn đề đó.” Blumer và Arkes còn nhận định “Mọi người sẽ có xu hướng tiếp tục theo đuổi một nỗ lực nhiều hơn khi đã đầu tư tiền bạc, công sức hoặc thời gian“.
Theo Decision Lab, một công ty nghiên cứu dựa trên khoa học hành vi tập trung vào việc cải thiện việc ra quyết định, “bẫy chi phí chìm xảy ra vì cảm xúc của thường khiến chúng ta đi chệch hướng khỏi các quyết định hợp lý. Ví dụ, việc từ bỏ một nỗ lực sau khi cam kết và đầu tư nguồn lực vào đó có thể sẽ gây ra cảm giác tội lỗi và lãng phí tiêu cực. Vì muốn tránh những cảm giác mất mát tiêu cực nên chúng ta có nhiều khả năng sẽ theo đuổi một quyết định mà mình đã đầu tư ngay cả khi điều đó không mang lại lợi ích tốt nhất cho mình.”
Tóm lại, những yếu tố sau đây có thể giúp giải thích tại bẫy chi phí chìm lại xảy ra:
Thà chịu đựng mất mát còn hơn bỏ lỡ cơ hội: Vì mất mát thường khiến chúng ta cảm thấy tồi tệ hơn nhiều so với thu nhập, nên chúng ta có nhiều khả năng tránh thua lỗ hơn là tìm kiếm lợi nhuận. Càng dành nhiều thời gian và tài nguyên khác cho một thứ gì đó, bạn càng cảm thấy mất mát nhiều hơn khi từ bỏ.
Hiệu ứng đóng khung (Framing Effect): Cách chúng ta nhìn nhận một tình huống hoặc lựa chọn phụ thuộc vào việc đó được đưa ra dưới góc nhìn tiêu cực hay tích cực. Kết hợp với việc né tránh thua lỗ, chúng ta tin rằng khi từ bỏ một dự án sẽ đồng nghĩa với thua lỗ (khung tiêu cực), ngay cả khi việc ngừng lãng phí tài nguyên cho thứ không hiệu quả là hoàn toàn hợp lý. Thực hiện đến cùng cho phép chúng ta coi quyết định của mình là thành công (khung tích cực).
Xu hướng lạc quan: Có thể chúng ta đang đánh giá quá cao khả năng những nỗ lực của mình sẽ mang lại kết quả tốt đẹp. Điều đó khiến chúng ta bỏ qua bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào. Do đó, việc tiếp tục đổ tiền, thời gian hoặc năng lượng vào các dự án vì chúng ta tin rằng cuối cùng mọi thứ sẽ được đền đáp.
Trách nhiệm cá nhân: Bẫy chi phí chìm xuất hiện còn do chúng ta cảm thấy chịu trách nhiệm về một quyết định và chi phí chìm đi kèm. Điều này tạo ra một thiên kiến cảm xúc khiến chúng ta cố bám vào một dự án, quyết định hoặc phương hướng hành động mà mình cảm thấy có trách nhiệm cá nhân.
Chi phí chìm ảnh hưởng đến kinh doanh như thế nào?
Việc thừa nhận rằng một tính năng hoặc sản phẩm không còn đạt được mục tiêu sau khi đã đầu tư đáng kể thời gian, năng lượng và nguồn lực có thể là một thách thức đối với doanh nghiệp.
Gây lãng phí tài nguyên
Chi phí chìm là khoản chi phí đã mất đi và không thể thu hồi, dẫn đến lãng phí tài nguyên của doanh nghiệp. Việc tiếp tục đầu tư vào dự án thất bại do ảnh hưởng của bẫy chi phí chìm sẽ càng làm tăng thêm khoản chi phí lãng phí.
Cản trở việc ra quyết định sáng suốt
Khi bị chi phối bởi chi phí chìm, doanh nghiệp có thể đưa ra những quyết định sai lầm khi tiếp tục đầu tư vào những dự án không hiệu quả. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Gây ảnh hưởng đến tinh thần của nhân viên và nhà quản lý
Việc liên tục thất bại do ảnh hưởng của bẫy chi phí chìm có thể làm giảm tinh thần của nhân viên lẫn nhà quản lý. Họ sẽ cảm thấy nản lòng và mất đi động lực để làm việc.
Làm tăng giá thành sản phẩm và giảm khả năng tiếp cận vốn
Một số doanh nghiệp tính cả chi phí chìm sẽ được tính vào giá thành sản phẩm. Điều này có thể làm tăng giá thành sản phẩm và khiến sản phẩm trở nên khó cạnh tranh hơn.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay từ ngân hàng hoặc các nhà đầu tư nếu họ có nhiều khoản chi phí chìm.
Làm thế nào để tránh bẫy chi phí chìm khi ra quyết định?
Nhận thức được sự tồn tại của bẫy chi phí chìm
Điều quan trọng là bạn phải hiểu rõ bẫy chi phí chìm là gì và có thể ảnh hưởng đến quyết định của bạn như thế nào. Khi nhận thức được sự tồn tại của bẫy tâm lý này, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc ra quyết định.
Tập trung vào tương lai
Khi đưa ra quyết định, hãy tập trung vào những lợi ích và rủi ro trong tương lai, thay vì những chi phí đã phát sinh trong quá khứ. Chi phí chìm là khoản chi phí đã mất đi và không thể thu hồi, do đó, đừng để điều này ảnh hưởng đến quyết định của bạn trong tương lai.
Xem xét chi phí cơ hội và so sánh các lựa chọn thay thế
Nếu tiếp tục đầu tư vào một dự án hoặc mối quan hệ, bạn sẽ bỏ lỡ điều gì? Liệu có con đường khác mang lại cho bạn nhiều lợi ích hoặc sự thỏa mãn hơn không?
Hãy so sánh các phương án thay thế khả thi và đưa ra lựa chọn mang lại lợi ích cao nhất trong tương lai, bất kể bạn đã đầu tư bao nhiêu vào các lựa chọn trước đây.
Cắt lỗ kịp thời
Nếu kịp thời nhận ra một dự án đang thất bại, hãy cắt lỗ ngay lập tức để tránh lãng phí thêm tài nguyên. Việc tiếp tục đầu tư vào một dự án thất bại chỉ vì bạn đã đầu tư nhiều chỉ khiến bạn càng thua lỗ hơn.
Đừng để cảm xúc chi phối
Khi cảm thấy gắn bó về mặt cảm xúc với một dự án, bạn có thể bỏ qua những gì đang thực sự diễn ra. Đó là lúc bẫy chi phí chìm xuất hiện và đưa bạn đi theo hướng sai lầm.
Hãy tìm kiếm lời khuyên từ những người không liên quan về mặt cảm xúc sẽ giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt hơn.
Học hỏi từ kinh nghiệm
Hãy học hỏi từ những sai lầm của bạn và tránh lặp lại chúng trong tương lai. Nếu đã từng mắc phải bẫy chi phí chìm, hãy rút ra bài học kinh nghiệm để không mắc phải sai lầm tương tự.
So sánh sự khác biệt giữa chi phí chìm và chi phí cơ hội
Chi phí cơ hội là gì?
Chi phí cơ hội (Opportunity Cost) là giá trị của lợi ích mà một cá nhân hoặc tổ chức từ bỏ khi chọn cơ hội này thay vì cơ hội khác. Đây không phải là chi phí được chi trả trực tiếp, mà là giá trị của những gì bị mất khi giữa nhiều lựa chọn.
Chi phí cơ hội là một khái niệm quan trọng trong kinh tế học và có thể được áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. Khái niệm này giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt hơn bằng cách cân nhắc những lợi ích và chi phí của từng lựa chọn.
Ví dụ:
Bạn có 100.000 đồng và có thể sử dụng để mua vé xem phim hoặc mua một quyển sách. Nếu bạn chọn mua vé xem phim, chi phí cơ hội của bạn là giá trị của quyển sách mà bạn không mua được.
Bạn có thể dành thời gian để học bài hoặc đi chơi với bạn bè. Nếu bạn chọn đi chơi với bạn bè, chi phí cơ hội của bạn là điểm số mà bạn có thể đạt được nếu bạn học bài.
Chi phí chìm và chi phí cơ hội khác nhau như thế nào?
Định nghĩa
- Chi phí chìm: Là khoản chi phí đã phát sinh trong quá khứ và không thể thu hồi được.
- Chi phí cơ hội: Là giá trị lợi ích mà bạn bỏ lỡ khi lựa chọn một phương án thay vì phương án khác.
Tính chất
- Chi phí chìm: Không thể thay đổi hay ảnh hưởng đến các quyết định trong tương lai. Thường được ghi nhận trong bảng cân đối kế toán.
- Chi phí cơ hội: Không được ghi nhận trong sổ sách kế toán. Luôn thay đổi tùy theo từng quyết định và thời điểm.
Ảnh hưởng đến quyết định
Chi phí chìm:
- Không nên được xem xét khi đưa ra quyết định trong tương lai.
- Có thể dẫn đến bẫy chi phí chìm, khiến bạn tiếp tục đầu tư vào dự án không hiệu quả chỉ vì đã đầu tư nhiều vào trước đó.
Chi phí cơ hội:
- Là yếu tố quan trọng cần được cân nhắc khi đưa ra quyết định.
- Giúp bạn so sánh các lựa chọn khác nhau và lựa chọn phương án mang lại lợi ích cao nhất.
Đo lường
- Chi phí chìm: Có thể được đo lường bằng số tiền hoặc tài sản cụ thể mà bạn phải chi trả.
- Chi phí cơ hội: Khó đo lường về mặt tiền bạc và chỉ được đo bằng giá trị của cơ hội mà bạn đã bỏ qua.
Ví dụ:
- Bạn đã đầu tư 100 triệu đồng vào một dự án khởi nghiệp. Sau một thời gian, dự án thất bại và bạn không thể thu hồi được số tiền đã đầu tư. 100 triệu đồng sẽ là chi phí chìm trong trường hợp này.
- Bạn có thể sử dụng 100 triệu đồng để đầu tư vào một dự án khác có khả năng thành công cao hơn. Lợi nhuận mà bạn có thể kiếm được từ dự án đó là chi phí cơ hội của việc đầu tư vào dự án khởi nghiệp thất bại.
Kết luận
Hiểu rõ về chi phí chìm là điều quan trọng đối với các nhà quản lý, nhà đầu tư và bất kỳ ai đưa ra quyết định liên quan đến việc sử dụng tài nguyên. Bằng cách nhận thức được sự tồn tại của chi phí chìm và áp dụng các chiến lược phù hợp, bạn có thể tránh lãng phí tài nguyên và đưa ra những lựa chọn sáng suốt hơn.